Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương khởi động, nhiều nhà đầu tư “đặt cược” vào BĐS nơi này

Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương khởi động, nhiều nhà đầu tư "đặt cược" vào BĐS nơi này
Mới đây nhất, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết sẽ dồn một lượng lớn ngân sách địa phương trong vòng 5 năm tới để góp vào dự án PPP đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc (đoạn thành phần của cao tốc Dầu Dây – Liên Khương). Đây là động thái khiến thị trường BĐS nơi đây dự báo sẽ có những đột phá trong thời gian tới.

Lâm Đồng quyết tâm hoàn thành cao tốc Dầu Giây – Liên Khương trước năm 2025

Trong Tờ trình số 1154/TTr-UBND vừa được tỉnh Lâm Đồng gửi Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc theo hình thức PPP cho thấy, quyết tâm của địa phương này trong việc sớm hoàn thành cao tốc Dầu Giây – Liên Khương trước năm 2025.

Dự án đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có chiều dài 67 km, dự kiến phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I đầu tư theo quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h là phân đoạn giữa của tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương (dài khoảng 190 km). Hai đoạn còn lại là Dầu Giây – Tân Phú dài 60 km nằm trọn trên địa phận tỉnh Đồng Nai và đoạn Bảo Lộc – Liên Khương dài 73 km thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng.

Trung tuần tháng 3/2021, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Ban quản lý dự án Thăng Long đã trình Bộ xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú. Cách đó một tuần, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) – Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Đây là 2 cao tốc thuộc dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.Hai dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú và Tân Phú – Bảo Lộc sẽ giúp phương tiện di chuyển từ Tp. HCM đến Đà Lạt chỉ 3 giờ đồng hồ, đây là khoảng cách di chuyển lý tưởng để kết nối và thúc đẩy kinh tế – xã hội của 2 địa phương này.

Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương khởi động, nhiều nhà đầu tư đặt cược vào BĐS nơi này - Ảnh 1.

Lâm Đồng quyết tâm hoàn thành cao tốc Dầu Giây – Liên Khương trước năm 2025

Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong Tờ trình số 1154 là việc UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị cơ cấu nguồn vốn thực hiện Dự án khá đặc biệt. Cụ thể, trong cơ cấu tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 vào khoảng 16.408 tỷ đồng, ngân sách địa phương sẽ góp 4.500 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, phần còn lại sẽ do nhà đầu tư được lựa chọn huy động bằng vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại.

Nếu xét riêng phần vốn nhà nước tham gia Dự án đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc giai đoạn 1, vốn ngân sách của Lâm Đồng chiếm tới 69%. Đây là tỷ lệ góp vốn cao nhất mà một địa phương từng tham gia vào một dự án hạ tầng giao thông triển khai theo hình thức PPP, có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, việc chính quyền địa phương cam kết dành khoảng 4.500 tỷ đồng ngân sách địa phương đã nhận được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị địa phương, bởi nhu cầu sớm cụ thể hóa tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương là rất lớn để sớm tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội, du lịch Lâm Đồng. Trong đó, tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc được chọn là điểm đột phá khẩu, kích hoạt 2 phân đoạn còn lại sớm khởi động theo.

“Chúng tôi hy vọng chậm nhất là đầu tháng 4/2021, Thủ tướng sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án, tạo điều kiện cho tỉnh triển khai các bước tiếp theo như lập báo cáo nghiên cứu khả thi, giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà đầu tư. Mục tiêu của tỉnh là hoàn thành Dự án vào cuối năm 2024”, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin.

Ngoài phần vốn nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Ngân hàng Nam Á đã chuẩn bị tất cả các điều kiện để phát hành trái phiếu dự án khoảng chừng 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã lên kế hoạch đấu giá quyền khai thác quỹ đất được hình thành dọc tuyến cao tốc.

Một điểm thuận lợi đáng kể nữa đối với nhà đầu tư tại Dự án đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc là đoạn Dầu Giây – Tân Phú cũng được đầu tư theo hình thức PPP và đang được Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư để có thể hoàn thành vào năm 2025.

Theo đại diện tỉnh Lâm Đồng, việc hoàn thành 2 đoạn tuyến năm 2025 sẽ giúp tăng đáng kể lưu lượng phương tiện, qua đó vừa hỗ trợ cho nhà đầu tư Tân Phú – Bảo Lộc, vừa tạo đà để triển khai đoạn từ Bảo Lộc tới Liên Khương trong thời gian sớm nhất.

Theo Quy hoạch Phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương – Đà Lạt có tổng chiều dài 208 km, với quy mô 4 làn xe. Tiến trình đầu tư từ đèo Prenn đến TP. Đà Lạt khoảng 19 km đã hoàn thành trước năm 2020; các đoạn còn lại từ Dầu Giây đến Liên Khương (khoảng 190 km): giai đoạn 2020 – 2030 hoàn thành 123 km và sau 2030 hoàn thành gần 66 km.

Thực sự tuyến cao tốc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với sự phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Lâm Đồng, trong đó phải kể đến thị trường BĐS. Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS Bảo Lộc (Lâm Đồng) “đặt cược” rất lớn vào dự án cao tốc này. Với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh thì tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương hình thành sẽ là đòn bẩy lớn thúc đẩy giá trị của thị trường BĐS nơi đây. Việc di chuyển từ Tp.HCM về Đà Lạt, Lâm Đồng chỉ 3 tiếng đồng hồ, là khoảng cách rất lý tưởng để thị trường BĐS mở rộng lượng khách tiềm năng, thúc đẩy nhu cầu đi lại, du lịch, từ đó nhu cầu về nhà ở sẽ dự báo sôi động.

Quả thực, không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua các nhà đầu tư lớn đổ xô về đây tìm cơ hội với BĐS. Theo các nhà đầu tư, trong các tỉnh Tây nguyên thì Lâm Đồng không chỉ có ưu thế du lịch lớn đã phát triển lâu nay nhờ khí hậu mát mẻ quanh năm mà còn có tiềm năng kinh tế tổng hợp nhờ vị trí địa lý tiếp giáp và nhiều hướng thông thương với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.

Với riêng Thành Phố Bảo Lộc, đây là vùng đất mới đang phát triển nên có tiềm năng sinh lợi bất động sản rất lớn nên đầu tư từ bây giờ để chờ đón sóng thị trường là điều dễ hiểu. Đặc biệt khi đô thị này có định hướng phát triển ngắn hạn là trở thành đô thị loại 2 vào năm 2025 và dài hạn trở thành đô thị loại 1.

Các ông lớn trên thị trường BĐS như Novaland, Hưng Thịnh, Him Lam, Văn Phú, Happy House Việt Nhật… hiện đều đã chọn nơi đây là điểm đến. Theo đó, việc các NĐT chờ cơ hội ở một thị trường còn nhiều tiềm năng phát triển không có gì là lạ.

Đẩy mạnh mạng lưới cao tốc phía Nam là vô cùng cấp thiết

Theo các chuyên trong ngànhnhững tuyến đường kết nối Tp.HCM đi các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều đã rơi vào tình trạng ùn tắc. Nguyên nhân là hạ tầng giao thông chưa phát triển xứng tầm. Đây cũng là một trong các yếu tố kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội của các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, việc sớm đầu tư mạng lưới cao tốc phía Nam là vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Theo Bộ GTVT, có 12 tuyến cao tốc khu vực phía Nam đã được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và sẽ được đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT Tp.HCM cho rằng, cao tốc phía Nam hiện nay đang rất ít, chỉ có khoảng 100 km, gồm cả hai tuyến TP.HCM – Trung Lương và TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Đường cao tốc là một trong những yếu tố vô cùng cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, chỉ với khoảng 100 km đường cao tốc thì không thể đáp ứng được tốc độ phát triển ngày càng lớn mạnh của các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chưa kể, các tuyến cao tốc này đều đã rơi vào tình trạng quá tải, xuống cấp.

Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương khởi động, nhiều nhà đầu tư đặt cược vào BĐS nơi này - Ảnh 2.

Một số chuyên gia trong ngành đánh giá, khu vực phía Nam còn quá ít đường cao tốc, chưa kể hiện các dự án cao tốc phía Nam còn triển khai quá chậm.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng nhận định: Tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc khu vực Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL còn chậm so với quy hoạch được duyệt. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của khu vực.

Sở dĩ việc triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc kết nối khu vực TP.HCM với ĐBSCL còn chậm là do gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, đặc điểm địa hình khu vực có nền địa chất phức tạp, địa hình chia cắt bởi nhiều sông, kênh rạch nên phải xử lý nền đất yếu, xây dựng nhiều cầu. Điều này dẫn đến suất đầu tư cho các công trình lớn, thời gian thực hiện kéo dài.

Thứ hai, nguồn vốn đầu tư công trong thời gian qua bố trí cho ngành giao thông còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay ODA ngày càng kém ưu đãi. Các dự án thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác PPP gặp nhiều khó khăn do thời gian vay vốn kéo dài. Còn nguồn vốn của tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn.

Thứ ba, thực tế triển khai một số dự án BOT ngành giao thông thời gian qua trong điều kiện chưa có quy định pháp luật về cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt là rủi ro về doanh thu.

Theo thứ trưởng, trong thời gian tới, ngoài việc tập trung hoàn thành các dự án đang triển khai, Bộ GTVT cũng tập trung nguồn lực để đầu tư các tuyến cao tốc khu vực phía Nam, các trục dọc kết nối Tp.HCM với các tỉnh. Bên cạnh đó, việc đầu tư các trục ngang kết nối nội vùng cũng vô cùng quan trọng để đáp ứng nhu cầu vận tải, phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình như sân bay, cảng biển.

(Nguồn: Cafef.vn)